Điều chỉnh hành vi cắn của trẻ em
Cắn là một hành vi bình thường xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Hành vi cắn ngoài việc có thể làm đứa trẻ bị cắn tổn thương và hoảng sợ, thì thông thường không có bất kỳ nguy cơ về sức khỏe nào.
Đứa trẻ có hành vi cắn cũng có thể hoảng sợ. Trẻ có thể cảm thấy rất thích thú vì phản ứng kích động và sự chú ý mà hành động đó mang lại. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể cảm thấy sợ hãi vì không kiểm soát được bản thân. Trẻ cần cảm thấy an toàn và biết cách kiểm soát những cảm xúc này.
Nguyên nhân trẻ cắn?
1. Trẻ muốn khám phá
Cắn là một cách trẻ khám phá thế giới này - trẻ cho các thứ vào miệng và cắn chỉ là một cách trẻ khám phá thế giới xung quanh. Đây có thể cũng là một cách trẻ thử giao tiếp với những người khác cho đến khi trẻ học được từ ngữ và cách bộc lộ cảm xúc của trẻ. Nhiều trẻ sẽ thử cắn vào bầu ngực của người mẹ khi đang bú, hoặc thử cắn vào người cha/mẹ hoặc người chăm sóc. Đối với trẻ, hành vi cắn có thể giống như là một trò chơi, đặc biệt nếu trẻ nhận được một phản ứng kích động từ người khác.
Cha mẹ có thể làm gì
Không để trẻ nghĩ rằng hành vi cắn là vui hoặc là một trò chơi. Nói rõ ràng. “Không! Cắn đau”. Nhanh chóng tách trẻ ra khỏi bầu ngực, cánh tay hoặc bất cứ thứ gì trẻ đang cắn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường sớm hiểu rằng trẻ không được cắn. Khi trẻ đang mọc răng, nướu sưng gây cảm giác đau cho trẻ. Hãy đưa cho trẻ những thứ an toàn có thể cắn, ví dụ: vòng ngậm mọc răng
2. Trẻ thất vọng
Trẻ thất vọng khi rơi vào những tình huống trẻ không thể giải quyết được. Trẻ dưới 3 tuổi thường chưa sẵn sàng hợp tác chơi với những đứa trẻ khác. Nếu một đứa trẻ ở trong nhóm lấy đi những đồ chơi của trẻ thì trẻ có thể phản ứng lại bằng hành động đánh hoặc cắn. Trẻchưa học được cách kiểm soát những xung đột hoặc những cách khác để đối phó với thất vọng. Nếu hành vi cắn nhận được phản ứng kích động trẻ có thể thích thú và thử làm lại lần nữa.
Cha mẹ có thể làm gì
- Giám sát trẻ chặt chẽ. Tuy nhiên, ngay cả khi có được sự giám sát tốt nhất cũng sẽ không luôn luôn ngăn cản được một số trẻ có hành vi cắn nhanh.
- Cố gắng tránh những tình huống trẻ không thể ứng phó. Để trẻ chơi với những nhóm chơi nhỏ và chơi trong thời gian ngắn. Xem xét thời điểm 2 đứa trẻ có thể muốn đồ chơi giống nhau và hành động để đánh lạc hướng trẻ.
- Đánh lạc hướng trẻ khỏi tình huống đó thay vì cố gắng giải thích lý do. Trẻ quá nhỏ để hiểu và quá nhiều từ ngữ có thể làm trẻ bối rối. Trẻ nhỏ cần phải hiểu cảm xúc của mình và cần đến sự giúp đỡ của bạn để kiểm soát những cảm xúc này. Trẻ rất khó để kiểm soát được cảm xúc và trẻ cần thời gian để làm được điều đó.
3. Trẻ cảm thấy bất lực
Thông thường, đứa trẻ nhỏ nhất trong gia đình sẽ có hành vi cắn. Những đứa trẻ lớn hơn có thể mạnh mẽ hơn, nói nhiều hơn và có khả năng để đạt được những gì chúng muốn. Đứa trẻ nhỏ nhất có thể cảm thấy nhỏ bé và bất lực. Trong nhóm, đứa trẻ có quyền lực ít hơn có thể nhận ra rằng cắn là một cách để đạt được một số quyền lực trong nhóm.
Cha mẹ có thể làm gì
- Nếu trẻ đang chơi với những đứa trẻ lớn tuổi hơn, hãy giải thích cho những đứa trẻ này hiểu được cảm giác của những em bé nhỏ tuổi hơn. Nhờ sự giúp đỡ của những trẻ lớn tuổi hơn để làm cho mọi thứ công bằng hơn và đảm bảo rằng nhu cầu của mỗi trẻ được đáp ứng.
- Nếu cần thiết, hãy phân chia khu vực vui chơi riêng cho trẻ lớn và trẻ nhỏ.
- Nếu trẻ cắn, hãy nói cho trẻ biết làm như vậy là không tốt và dời trẻ khỏi tình huống đó. Giữ trẻ ở bên bạn một lúc trước khi để trẻ quay trở lại.
4. Trẻ căng thẳng
Hành vi cắn thường xảy ra khi một đứa trẻ cảm thấy căng thẳng và trẻ không thể giải quyết. Trẻ có thể buồn bã hoặc tức giận và cắn là cách trẻ biểu lộ sự căng thẳng và nỗi đau của trẻ. Trẻ nhỏ không biết những cảm xúc của trẻ là gì - chúng chỉ hành động!
Cha mẹ có thể làm gì
- Cố gắng tìm ra nguyên nhân làm trẻ căng thẳng. Bạn không thể luôn luôn giải quyết được mọi vấn đề nhưng bạn có thể làm giảm căng thẳng cho trẻ. Nghĩ về kế hoạch trong tương lai để tránh những tình huống mà bạn biết rằng trẻ có thể cắn. Trao cho trẻ tình yêu và sự quan tâm khi bạn có thể, ở những thời điểm khác nhau để giúp trẻ cảm thấy an toàn.
- Quan sát những gì xảy ra trước khi trẻ cắn. Ví dụ, nếu một đứa trẻ cắn khi đứa trẻ khác đến gầnkhu vực của mình hoặc lấy đồ chơi của chúng, hãy giúp trẻ bảo vệ không gian của trẻ. Nếu trẻ có đủ từ ngữ bạn có thể dạy trẻ cách giữ đồ chơi trên tay và nói “làm ơn hãy đi đi” hoặc bạn có thể hỏi trẻ “chúng ta có thể làm gì để ngăn Anna không lấy đồ chơi của con? bạn có thể cho trẻ chơi đồ chơi nào khác?”
- Hỏi những cha mẹ khác để hỗ trợ bạn trong việc ngăn ngừa trẻ cắn.
- Giúp trẻ tìm những cách khác để biểu lộ cảm xúc của mình, ví dụ thông qua vui chơi hoặc đọc truyện.
Đứa trẻ bị cắn
- Khi một đứa trẻ bị cắn, đôi khi cha mẹ có phản ứng gay gắt. Phản ứng này giúp an ủi trẻ cho dù lý do trẻ bị cắn là gì đi chăng nữa. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên phản ứng thái quá.
- Đứa trẻ bị cắn có thể có phản ứng nghiêm trọng để thu hút nhiều sự chú ý nhiều hơn là để phản ứng với việc đau dữ dội. Sau một hồi an ủi trẻ,hãy khuyến khích trẻ quay trở lại chơi bình thường. Nếu trẻ đã đủ lớn, hãy giúp trẻ tìm những cách khác để bảo vệ bản thân mà không cần làm tổn thương đứa trẻ bị cắn. Nếu đứa trẻ bị cắn còn rất nhỏ và không thể tự bảo vệ bản thân, người lớn cần phải đảm bảo trẻ được bảo vệ an toàn.
- Đôi khi cha mẹ có thể lo ngại rằng vết cắn có thể chuyển thành bệnh. Khi một vết cắn chỉ để lại một vết bầm tím, làn da không bị chày xước thì không có cơ hội nào cho vi rút hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bị cắn.
- Nếu một đứa trẻ bị cắn ở nhà trẻ, cha/mẹ có thể mong muốn đứa trẻ đã cắn con mình phải bị phạt. Hành động này của các bậc phụ huynh là dễ hiểu, để hữu ích trong thời gian dài, các trung tâm chăm sóc trẻ nên cung cấp hỗ trợ đặc biệt cho trẻ bị cắn và đảm bảo những đứa trẻ khác được bảo vệ.
2015-08-20 10:10:22
imom.vn dịch và hiệu chỉnh theo tài liệu Parenting của Bang South Australia