
Sức khỏe tiền sinh sản
Tại sao cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe tiền sinh sản
Sức khỏe tiền sinh sản là sức khỏe của người phụ nữ trước khi mang thai. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ sẽ biết được tình trạng sức khỏe và những nguy cơ có thể sẽ ảnh hưởng đến mình hoặc thai nhi nếu mang thai. Ví dụ, một vài loại thực phẩm, thói quen và thuốc có thể gây hại cho con của bạn- thậm chí trước khi mang thai. Một vài vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến việc mang thai.
Năm điều quan trọng để nâng cao sức khỏe tiền sinh sảnPhụ nữ nên quan tâm đến sức khỏe của mình ngay cả khi họ có kế hoạch mang thai hay không. Đó là vì có khoảng một nửa số bà mẹ mang thai ngoài ý muốn. Mang thai ngoài ý muốn gia tăng nguy cơ sinh non và trẻ thiếu cân nặng ra đời. Lý do khác đó là mặc dù đã có những tiến bộ quan trọng trong y học và chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản, nhưng khoảng 1 trên 8 em bé bị sinh non. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra lý do vì sao và làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng sinh non. Tuy nhiên các chuyên gia đồng ý rằng phụ nữ cần có được sức khỏe tốt hơn trước khi mang thai. Bằng cách tìm hiểu về những vấn đề và nguy cơ về sức khỏe tiền sinh sản, bạn có thể ngăn chặn những vấn đề có thể ảnh hưởng đến bạn hoặc em bé của bạn sau này.
Phụ nữ và đàn ông nên có sự chuẩn bị cho việc mang thai trước khi sinh hoạt tình dục - hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Một vài việc nên bắt đầu thực hiện sớm hơn như bỏ hút thuốc lá, đạt được cân nặng khỏe mạnh hoặc điều chỉnh loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Năm điều quan trọng nhất mà bạn phải làm để có được sức khỏe tiền sinh sản đó là:
- Hãy dùng 400-800 microgam (400-800 mcg hoặc 0,4-0,8 mg) axit folic mỗi ngày nếu như bạn đang có kế hoạch hoặc có khả năng mang thai để giảm thiểu nguy cơ bé mắc phải một số dị tật bẩm sinh ở não và cột sống, gồm có cả tật nứt đốt sống. Tất cả mọi phụ nữ cần đến axit folic mỗi ngày. Hãy hỏi tư vấn từ bác sĩ về nhu cầu sử dụng axit folic của bạn. Một vài bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bổ sung vitamin trước khi sinh chứa hàm lượng cao axit folic.
- Hãy dừng hút thuốc và dừng uống đồ uống có cồn.
- Nếu bạn có tình trạng bệnh lý, hãy chắc chắn là bạn có thể kiểm soát được bệnh. Một vài tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mang thai như hen suyễn, tiểu đường, sức khỏe răng miệng, béo phì, động kinh.
- Hãy nói cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng, kể cả thuốc không theo đơn và thuốc theo đơn kê của bác sĩ và các chất bổ sung chế độ dinh dưỡng và thảo dược. Đảm bảo rằng bạn tiêm phòng đầy đủ.
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại hoặc các vật có thể gây nhiễm trùng ở nhà và cả ở nơi làm việc. Tránh xa các loại hóa chất, mèo và động vật gặm nhấm, kể cả phân của chúng.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi bạn mang thai
Bạn đã biết?
Khi bạn chuẩn bị mang thai, tốt nhất bạn nên có cân nặng khỏe mạnh. Quá béo hoặc quá gầy làm tăng nguy cơ gặp phải những vấn đề trong thai kỳ. Hãy học cách kết hợp lựa chọn thực phẩm lành mạnh và tập thể dục, có thể giúp bạn đạt được hoặc giữ được cân nặng khỏe mạnh. Hãy đến trung tâm thể dục và có khẩu phần ăn bổ dưỡng.
Chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản có thể cải thiện cơ hội mang thai, có được sức khỏe tốt khi mang thai và có một em bé khỏe mạnh. Nếu bạn sinh hoạt tình dục, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về sức khỏe tiền sinh sản của bạn hiện tại. Chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản nên bắt đầu ít nhất 3 tháng trước khi bạn có thai. Một số phụ nữ cần nhiều thời gian hơn để cơ thể của họ sẵn sàng mang thai. Bạn cũng cần thảo luận với bác sĩ về sức khỏe người bạn đời của bạn. Hãy hỏi tư vấn của bác sĩ về:
- Kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sinh sản.
- Hàm lượng axit folic cần thiết.
- Vắc-xin và biện pháp bảo vệ cần thiết, như thử Pap (phết tế bào cổ tử cung) và cách phòng vệ để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, bao gồm cả HIV.
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tuyến giáp, béo phì, trầm cảm, rối loạn ăn uống và hen suyễn. Tìm hiểu những vấn đề về sức khỏe của bạn có thể gây ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng như thế nào khi bạn mang thai.
- Thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê theo đơn, thảo dược và thuốc được kê theo đơn và các chất bổ sung.
- Các cách để cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, chẳng hạn để đạt được cân nặng khỏe mạnh, ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể, chăm sóc răng lợi, giảm căng thẳng, bỏ hút thuốc và tránh uống rượu.
- Làm thế nào để tránh bị mệt mỏi.
- Những mối quy hiểm tại nhà bạn hoặc tại nơi làm việc có thể gây hại đến bạn và con của bạn.
- Các vấn đề về sức khỏe mà bạn hoặc bạn đời của bạn đang mắc phải.
- Các vấn đề bạn gặp trong lần mang thai trước đây, bao gồm cả sinh non (nếu có).
- Những lo lắng trong gia đình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, chẳng hạn bạo lực gia đình hoặc thiếu sự hỗ trợ.
Khi đến thăm khám và xin tư vấn của bác sĩ, bạn nhớ mang theo danh sách các vấn đề cần thảo luận (PDF, 182 KB) để đảm bảo rằng bạn không quên bất kỳ điều gì. Nếu bạn không trao đổi hết các vấn đề trong lần đầu thăm khám, hãy sắp xếp thăm khám lần sau để đảm bảo bạn được tư vấn đầy đủ và kỹ lưỡng.
Vai trò của người chồng khi chuẩn bị mang thai
Chồng bạn có thể làm rất nhiều việc để hỗ trợ và động viên bạn trên tất cả các phương diện để chuẩn bị mang thai. Sau đây là một số việc mà người chồng có thể làm để ủng hộ người vợ mang thai:
- Cùng người vợ đưa ra quyết định mang thai. Khi cả 2 cùng muốn mang thai, người phụ nữ có nhiều khả năng được chăm sóc trước khi sinh và tránh các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá và uống rượu.
- Khám sàng lọc và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục nhằm đảm bảo không truyền nhiễm bệnh cho người vợ.
- Người chồng có thể cải thiện sức khỏe sinh sản của họ và sức khỏe toàn diện bằng việc hạn chế uống rượu, ngừng sử dụng thuốc lá hoặc thuốc gây nghiện, ăn uống lành mạnh và giảm căng thẳng. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người chồng uống rượu nhiều hoặc sử dụng thuốc gây nghiện có thể gặp những vấn đề về tinh trùng. Điều này có thể khiến người vợ gặp vấn đề khi mang thai.
Đọc thêm:
imom.vn Dịch nguyên bản từ Office on Women's Health, US